PHÂN BIỆT BỆNH ĐỤC CƠ, CÔNG THÂN VÀ HOẠI TỬ CƠ TRÊN TÔM

26/01/2024 - 07:10
155 views

Trong nuôi trồng thủy sản, việc phân biệt các bệnh trên tôm không chỉ là một nhiệm vụ quan trọng mà còn là thách thức đối với người nuôi. Bệnh đục cơ và hoại tử cơ trên tôm thẻ chân trắng (TTCT) là hai loại bệnh có thể gây ra tình trạng suy giảm sức khỏe nhanh chóng và ảnh hưởng lớn đến năng suất vụ nuôi. Để đưa ra biện pháp phòng tránh và điều trị hiệu quả thì việc phân biệt hai bệnh trên là vô cùng quan trọng. Qua bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cách để phân biệt hai bệnh trên.

1. Bệnh đục cơ – cong thân

Dấu hiệu nhận biết tôm mắc bệnh cong thân đục cơ

Phần mô cơ chạy dọc theo cơ thể tôm trở nên trắng đục kèm theo hiện tượng cong thân. Bệnh thường xuất hiện ở TTCT 10 ngày tuổi cho đến khi về đích. Các dấu hiệu của bệnh cong thân đục cơ thường là:

  • Cơ thịt tôm có màu trắng đục, đặc biệt là ở phần cơ đuôi, sau đó lan dần khắp cơ thể.
  • Cơ thể tôm co lại thành hình chữ C (cong thân).
  • Tôm không tự duỗi thẳng ra lại được khi kéo sàn, nhá thức ăn lên khỏi mặt nước vào thời tiết nắng nóng.
  • Tôm bơi lờ đờ, kém ăn.
Tôm bị bệnh đục cơ, cong thân

Tôm bị bệnh đục cơ, cong thân

Nguyên nhân: Bệnh xảy ra chủ yếu do thiếu một số chất khoáng thiết yếu trong ao nuôi: Kali, Magie, Canxi… thành phần cần thiết góp phần hình thành lớp vỏ kitin cho tôm hoặc bị sốc bởi yếu tố môi trường, tác nhân vật lý… dẫn đến đục cơ và cong thân. Nếu không phát hiện sớm và có các biện pháp xử lý kịp thời thì tỷ lệ tôm trong ao chết sẽ tăng cao, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi.

Ngoài ra còn những nguyên nhân khác làm tôm cong thân, đục cơ như:

Tôm bị giật mình khi bật và tắt dàn quạt nước. Nhiều con sẽ nhảy lên khỏi mặt nước tạo thành “làn sóng” chạy dọc theo ao. Một vài con bị cong thân khi tiếp xúc với không khí và chuyển sang trắng cơ.

Tôm bị sốc nhiệt khi kiểm tra sàng ăn lúc trời nắng nóng làm tôm bị giật mình, bị sốc do sự chênh lệch nhiệt độ.

Quá trình kéo lưới bắt tôm để thu tỉa, sang ao… sẽ làm cho một số tôm bị stress một phần hoặc toàn bộ cơ thể sẽ bị trắng đục. Hầu  hết những tôm có màu khác thường này sẽ chết. Những con bị nhẹ sẽ mất vài ngày sau mới phục hồi lại được.

Lượng oxy trong ao nuôi không đủ nhu cầu cho tôm cũng là một trong những nguyên nhân tôm bị đục cơ và cong thân.

Phòng và điều trị bệnh: Nguyên nhân chính của bệnh là thiếu khoáng nên người nuôi cần phải bổ sung các loại khoáng cho tôm như: khoáng tổng hợp Aqualaabh, IronThai, các sản phẩm có thành phần khác ngay từ đầu vụ nuôi để phòng bệnh cong thân đục cơ và cả trường hợp tôm bị mềm vỏ, ngăn ngừa tôm chết do dính vỏ, dính giáp đầu ngực.

2. Bệnh hoại tử cơ 
Nguyên nhân: Là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Đây là loại virus có vật chất di truyền là ARN mạch đôi, chúng có kích thước 7.560 bp, cấu trúc không có lớp màng bao. Bệnh thường xuất hiện ở TTCT giai đoạn 40 – 45 ngày tuổi trở lên, thường gây chết và tỷ lệ rớt đáy khá cao, khoảng 40 – 70% quần đàn.

 

Bệnh hoại tử cơ trên tôm | Trang thông tin thủy sản

Bệnh hoại tử cơ trên tôm

Triệu chứng: Bệnh hoại tử cơ do Infectious myonecrosis virus (IMNV) gây ra. Thường xuất hiện giai đoạn tôm thẻ trên 45 ngày tuổi, hiện tượng ban đầu phần cơ đuôi trở nên trắng đục sau đó lan dần khắp cơ thể. Ở mức độ nặng có thể dẫn đến hiện tượng hoại tử và đỏ ở phần cơ này, tôm chết và rớt đáy với tỷ lệ khá cao.

MỘT SỐ BỆNH PHỔ BIẾN TRÊN TÔM

 

Phòng trị

Trong các trại sản xuất tôm giống, phương thức tiệt trùng trứng và ấu trùng được xem là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả. Sàng lọc và thả tôm giống không nhiễm IMNV được xem là giải pháp phòng bệnh trong các ao nuôi tôm thịt. Trường hợp ao nuôi thịt vừa xuất hiện vài con tôm chết với dấu hiệu của bệnh hoại tử cơ, nên thực hiện các bước xử lý: (i) ổn định môi trường ao nuôi, chú trọng đến nhiệt độ, nồng độ muối, pH; (ii) tăng cường sục khí; (iii) giảm lượng thức ăn hoặc ngừng cho tôm ăn. Trường hợp bệnh xảy ra với tỉ lệ chết cao, ao nuôi tôm thịt cần được xử lý với chorin 30ppm trong vài ngày.