XUẤT KHẨU TÔM NĂM 2024: KHÓ Ở EU, THUẬN LỢI TẠI NHẬT BẢN VÀ TRUNG QUỐC

29/01/2024 - 09:49
127 views

Xung đột Biển Đỏ khiến cước vận tải biển tăng mạnh ngay từ tháng đầu năm 2024, có thể khiến Ecuador giảm xuất khẩu tôm sang khu vực Đông Á do phải chịu áp lực chi phí vận tải biển gia tăng. Đối với xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu Âu được dự báo sẽ khó khăn trong năm 2024, nhưng đây là cơ hội cho tôm Việt Nam tăng xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023, xuất khẩu tôm Việt phải đối mặt với lạm phát cao ở nhiều thị trường xuất khẩu, sức mua và giá tôm giảm, cạnh tranh gay gắt từ Ecuador, Ấn Độ. Xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2022.

1. Xuất khẩu tôm “sáng cửa” tại thị trường Nhật Bản, Trung Quốc

Xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật trong năm 2023 liên tục sụt giảm do lạm phát tại thị trường này tăng cao, đồng yên giảm giá mạnh, ảnh hưởng tới quyết định mua hàng của các nhà nhập khẩu Nhật Bản. Năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 511 triệu USD, giảm 24% so với năm 2022. Tuy nhiên, trong tháng cuối cùng của năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản đã ghi nhận tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường Nhật Bản được đánh giá còn nhiều tiềm năng và sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU trong năm 2024. Tại Mỹ và EU tôm sơ chế đơn giản từ Ấn Độ, Ecuador với giá rẻ đang có lợi thế hơn so với Việt Nam.

Tôm Ấn Độ, Ecuador cạnh tranh ở phân khúc chất lượng thấp, giá thấp. Tuy nhiên, với thị trường Nhật Bản lại khác, người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Các sản phẩm tôm phổ biến từ Việt Nam xuất sang Nhật như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi… vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường này.

Năm 2023, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc nằm trong xu hướng giảm chung, tuy nhiên Trung Quốc là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính. Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 607 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp, khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh về giá.

“Dịch COVID-19 đã chấm dứt, kinh tế Trung Quốc có tín hiệu tích cực, nhu cầu tôm hồi phục. Vị trí địa lý gần thuận lợi cho các donh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc về chi phí logistics. Các tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này sẽ phục hồi nhẹ”, VASEP nhận định.

Xuất khẩu giảm nhưng tôm Việt Nam vẫn chiếm 'ngôi vương' ở thị trường Nhật Bản

2. Thị trường EU, Mỹ sẽ còn khó khăn

Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sau khi giảm liên tục trong các tháng đầu năm; từ tháng 7 đến hết năm, liên tục tăng trưởng 2 con số. Cả năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 682 triệu USD, giảm 15% so với năm 2022. Số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 12/2023 cũng ghi nhận tháng thứ 6 tăng trưởng liên tiếp. Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ đang tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm.

Lạm phát tại Mỹ đã giảm khá mạnh trong năm 2023, Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra những thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Với những tín hiệu tích cực này, dự báo xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhẹ trong năm 2024 khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi.

Mặc dù có các chỉ số tích cực trên, nhưng các nhà phân tích vẫn cảnh báo với những rủi ro địa chính trị, trong đó có xung đột ở Ukraine, có khả năng làm gián đoạn thị trường ngũ cốc và đẩy lạm phát tăng trở lại. Tại Trung Đông, Israel dự đoán xung đột với lực lượng Hamas sẽ kéo dài nhiều tháng, làm tăng nguy cơ leo thang trong khu vực.

Mới đây Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu trong đó có Việt Nam. Chưa rõ kết quả thế nào, nhưng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trong năm nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024, khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng, cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ trong năm 2024.

Với thị trường EU, VASEP cho hay năm 2023, xung đột Nga-Ukraine, khiến người tiêu dùng tại EU phải chi tiêu tiết kiệm, vật giá tăng, xăng dầu tăng. Cùng với đó, đồng EUR mất giá là những nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường này chậm lại. Người dân châu Âu chọn thực phẩm giá rẻ, tôm cỡ nhỏ hơn, các nhà nhập khẩu hạn chế mua vào và cố gắng bán ra để giải phóng hàng tồn kho và hạn chế lỗ. Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 421 triệu USD, giảm 39% so với năm 2022.

Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường EU gồm Ecuador và Ấn Độ. Trên thị trường này, tôm Việt Nam vẫn giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên với những bất ổn về kinh tế và chính trị hiện tại, thị trường EU sẽ chưa thể phục hồi trong phần lớn năm 2024.

“Đầu năm 2024, căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển sang EU tăng gấp đôi, càng khiến xuất khẩu tôm sang EU khó khăn hơn”, VASEP nhận định.

Kênh đào Suez, điểm nghẽn khó có thể biến mất trong thương mại toàn cầu

3. Nuôi trồng và chế bến giảm phát thải: Hướng đi bền vững cho xuất khẩu tôm

VASEP dự báo tình hình xuất khẩu tôm năm 2024 sẽ có nhiều khả quan. Nguồn cung tôm toàn cầu tiếp tục tăng trưởng ổn định, đặc biệt tôm từ Ecuador, tuy nhiên sản xuất tôm của Ecuador cũng có sự giảm nhẹ trong 2024. Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ 10 – 15% vào năm nay. Nhu cầu được dự báo hồi phục trở lại kể từ 6 tháng cuối năm, khi áp lực lạm phát hạ nhiệt, lượng hàng tồn kho tại các nhà nhập khẩu giảm. Đây là cơ hội cho giá tôm tăng trở lại.

Dù vậy, không ít thách thức của ngành hàng trong năm 2024 đã được đưa ra như rào cản thương mại, cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao… Giải pháp là tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiềm năng, mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.

Hiện nay, xu thế hầu hết các thị trường trọng điểm của tôm nói riêng, nông sản nói chung như EU, Nhật Bản… đang đưa ra yêu cầu sản phẩm phải sản xuất xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính. Trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm, nhiều công đoạn gây phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, lượng phát thải ở các mô hình nuôi tôm theo hướng xanh như tôm lúa lại vô cùng thấp, tiệm cận mức NetZero.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào các mô hình sản xuất tôm lúa, quảng canh xanh được xem là giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững – giảm phát thải mà toàn ngành đang hướng đến. Mô hình “Nuôi tôm sú – lúa hữu cơ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long” đang được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với doanh nghiệp triển khai tại 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Kiên Giang.

Tôm sạch, tôm sinh thái cũng là một phân khúc được các thị trường đón nhận và có giá trị cao. Vì thế, ngành nông nghiệp nói chung và ngành tôm nói riêng đang nhận được nhiều nguồn lực và kỹ thuật để chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh, giảm phát thải như mô hình nuôi tôm sú lúa hữu cơ ứng dụng công nghệ sinh học đang triển khai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chuyển đổi sản xuất tôm theo hướng nuôi trồng và chế biến sinh thái, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính được coi là hướng đi quan trọng để tôm Việt Nam giữ vững và mở rộng thị phần trên thị trường tôm thế giới.

Bài viết có tham khảo tại “Người nuôi tôm”