Mùa thu hoạch chính, giá tôm giảm vẫn là bài toán muôn thuở của nhà nông. Nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi luôn tìm nhiều phương án khác nhau giảm chi phí đầu vào sản xuất, hạn chế thua lỗ, tăng lợi nhuận trong quá trình nuôi.
- Hộ nuôi tôm khó trăm bề, doanh nghiệp điêu đứng.
Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, giá cả vật tư, thức ăn, tăng, nếu hộ nuôi tôm không tiết giảm được các chi phí, không may gặp rủi ro trong quá trình nuôi sẽ rất dễ thua lỗ. Dưới sức ép giá cả thị trường, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, người nuôi không có lãi, đẩy người nuôi tôm vào điệp khúc được mùa mất giá. Người nuôi tôm dù có nuôi thành công vẫn chỉ hòa hoặc lỗ vốn. Từ đó, đẩy nông dân vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX tỉnh Cà Mau, hiện tại khoảng 70% thành viên trong HTX đang bỏ trống ao vì không đủ vòng vốn để tiếp tục nuôi. Giai đoạn hiện tại, tôm nuôi loại 40 con/kg khi bán ra thị trường khoảng 97.000 đồng/kg, chi phí đầu tư để được 1kg tôm như vậy đang mất khoảng 80.000 – 82.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí nuôi trong 3-4 tháng này, người nuôi không còn lãi.
Anh Long Văn Nghĩa, hộ nuôi tôm xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Hiện nay chi phí sản xuất đội lên rất nhiều, giá điện, chi phí vận chuyển… tất cả các thứ liên quan đến con tôm đều tăng. Song, giá tôm lại quá thấp. Giá tôm phải tăng lên thì người nuôi mới mong có lãi chút ít hoặc hòa vốn, tôm chậm lớn sẽ thua lỗ nặng”.
Còn theo ông Phan Cần, nông dân nuôi tôm ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cho biết trên 20 năm nuôi tôm, ông chưa bao giờ thấy giá thức ăn tôm tăng mạnh như năm nay. Theo ông Cần, nếu mua thức ăn tôm của đại lý theo hình thức trả tiền sau khi thu hoạch, dao động 38.000 – 44.000 đồng/kg. Trong khi những người có vốn, mua trực tiếp từ công ty, giá thức ăn tôm chỉ khoảng 29.000 đồng/kg.
“Thời gian qua, giá thức ăn heo, gà, vịt, cá và phân bón đều giảm sâu, chỉ có giá thức ăn tôm là tăng mạnh. Không ai kiểm soát giá thức ăn tôm, người nuôi lỗ nặng, ai hòa vốn là may mắn”, ông Cần tâm sự.
Chi phí sản xuất tăng cao trong khi con tôm thẻ ở Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với tôm từ các nước Ấn Độ, Ecuador. Đây là 2 nước có sản lượng tôm rất lớn, giá tôm thấp, chi phí thấp hơn nên cạnh tranh hơn.
Không chỉ rớt giá, tôm nguyên liệu loại từ 40 – 70 con/kg cũng rất khó tìm đầu ra, do vậy các thương lái đang “tạm ngừng thu mua” và giá bán cũng rất thấp. Điều này khiến nhiều hộ nuôi tôm càng thêm ngao ngán.
2. Tiết giảm chi phí nuôi là điều bắt buộc
Ông Lý Thường Kiệt, Giám đốc HTX Phú Hưng Thịnh, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, thời điểm đầu năm, tôm có giá khoảng 160.000 đồng/kg, chi phí sản xuất ra 1kg tôm nguyên liệu khoảng 90.000 đồng, cho lãi 70.000 đồng/ kg. Nhưng hiện nay, giá 1kg tôm giảm chỉ còn khoảng 98.000 đồng/kg, nếu như sản xuất theo phương pháp cũ thì lãi chỉ còn khoảng 8.000 đồng/kg. Chính vì vậy, ông Kiệt cùng với các xã viên đã áp dụng biện pháp tiết giảm bớt chi phí. Nhờ đó, mỗi cân tôm cho thu lãi khoảng 15.000 đồng. Tuy nhiên, theo ông Kiệt, không phải chi phí nào cũng có thể giảm được.
“Khi con tôm được giá, tất cả nguyên liệu đầu vào đều tăng, nhưng khi con tôm xuống giá thì những nguyên liệu đầu vào đó vẫn giữ nguyên giá. HTX cũng đã có những đề xuất tới các Ban, ngành quan tâm và hỗ trợ tới những người nuôi tôm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho những công ty vật tư hạ giá thành để người nuôi được hưởng lợi. Đồng thời, mong phía cơ quan ban ngành quan tâm tới giá cả đầu ra của tôm nguyên liệu”, ông Kiệt đề xuất.
Đối với nuôi tôm công nghiệp, chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 60% tổng chi phí trong suốt quá trình nuôi. Việc lựa chọn thức ăn phù hợp, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, tránh cho ăn dư thừa sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào.
Theo TS. Nguyễn Công Quốc, Phó Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, người nuôi tôm cần điều chỉnh lượng thức ăn sao cho phù hợp, không để lượng thức ăn dư thừa trong ao nuôi. Bên cạnh đó, cần có sự liên kết giữa các hộ nuôi tôm để có thể mua được thức ăn trực tiếp từ công ty, như vậy giá thành sẽ được giảm đi rất nhiều. Bởi khi mua qua đại lý cấp 1, 2, qua sự đầu tư đồng vốn từ đại lý đã đẩy giá thành thức ăn tôm lên rất cao.
Trong nuôi tôm, con giống chiếm khoảng 15% chi phí nuôi. Quá trình lựa chọn con giống qua xét nghiệm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo con giống sạch bệnh, phát triển nhanh, tránh rủi ro thiệt hại cho người nuôi. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân không nên nuôi với mật độ quá dày, thu hoạch tôm từ 2 đến 3 giai đoạn để tôm lớn nhanh và có kích cỡ lớn.
Trong quá trình xây dựng ao, đầm phát sinh nhiều chi phí. Sau khi nuôi khoảng 3 đến 4 năm người nuôi cần tiến hành cải tạo, tu sửa. Như vậy, trong quá trình xây dựng cơ bản ban đầu người nuôi nên đầu tư ở mức hợp lý.
Chia sẻ tại hội thảo về tôm tại Cần Thơ tháng 4/2023, TS. Trần Hữu Lộc, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh những chi phí trực tiếp như thức ăn, nhân công lao động, điện nước, vi sinh… nông dân còn đầu tư quá nhiều chi phí thiết kế ao nuôi. Vì thế, nông dân muốn tăng lợi nhuận trong nuôi tôm, phải kéo giá thành sản xuất xuống bằng nhiều giải pháp như: giảm mật độ nuôi, thiết kế ao nuôi đơn giản lại, xây dựng các chương trình quản lý rủi ro dịch bệnh tốt hơn để giảm chi phí đầu tư ao nuôi.
Việt Nam cần có những mô hình sử dụng tỷ lệ đất hợp lý, với 40 – 50% diện tích hữu dụng phục vụ nuôi tôm với mật độ thấp. 20% là diện tích xử lý nước, khi nuôi mật độ thấp, mức độ thay nước ít đi, sẽ giúp nông dân giảm được chi phí thay nước, giảm được diện tích dùng cho xử lý nước. Và khoảng 30% diện tích còn lại sử dụng cho quy trình xử lý chất thải, bằng cách xây dựng hệ thống những ao liên hoàn, nuôi cá rô phi, cá đối… biến chất thải thành sinh khối. Một phần nhỏ diện tích còn lại có thể trồng rừng ngập mặn để tạo vùng đệm cho ao nuôi an toàn hơn.
3. Cần sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp
Với giá tôm lao dốc như hiện nay, cuối tháng 5 vừa qua lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau đã tổ chức cuộc họp cùng với Sở, ngành, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi trước biến động về giá tôm nguyên liệu. Theo đó, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các nhà máy chế biến xuất khẩu đưa ra những chính sách thu hoạch hết lượng tôm nuôi, tránh để tôm nuôi ứ đọng trong ao, dẫn tới tình trạng thua lỗ cho người nuôi. Với các thương lái thu mua cũng như chính quyền địa phương, cần thực hiện nghiêm việc tránh để thương lái thu mua ép giá người nuôi.
Đối với các đại lý thức ăn, thuốc thủy sản, con giống cần tham gia cùng ngành nông nghiệp và người nuôi, cân đối nguồn vốn, cung cấp sản phẩm để người nuôi có thể tiếp tục duy trì sản xuất trong bối cảnh khó khăn này. Đối với người nuôi, cần có sự liên kết trong sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu lớn, mời gọi doanh nghiệp đầu tư.
- Plasma, nâng tầm thủy sản Việt
Với tình hình hiện tại, diện tích nuôi tôm không được khai thác và để trống vô cùng lớn, người nông dân quan ngại về việc thua lỗ khi bước sang vụ mùa mới. Có thể nói, chi phí tăng, giá tôm giảm là vấn đề sống còn của những người dân cần mẫn này.
Thấu hiểu được nỗi niềm của khách hàng, Plasma luôn nỗ lực mỗi ngày để đồng hành những người nuôi trồng bằng những giải pháp và sản phẩm hữu hiệu, chúng tôi luôn tìm cách tiết giảm chi phí nhiều nhất có thể, để nông dân Việt có cuộc sống vươn tầm hơn.
Bài viết tham khảo tại tạp chí “Người nuôi tôm”